Áp dụng giải pháp Quản lý cây trồng tổng hợp ICM và Quản lý dịch hại tổng hợp - IPM

Thứ sáu - 17/01/2025 09:01 6 0
Cây Cam Cao Phong là sản phẩm trái cây đặc sản của huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình. Cây cam trồng tại đây đã được công nhận là thương hiệu nổi tiếng, năm 2014 trái cam Cao Phong đã được cấp giấy chứng nhận Chỉ dẫn địa lý ngày 05/11/2014 theo Quyết định số 3947/QĐ-SHTT của Cục sở hữu trí tuệ đã góp phần nâng tầm giá trị của trái cam trồng tại vùng đất Cao Phong.
Hiện tại, diện tích trồng cam ở Cao Phong đã mở rộng đáng kể, ước tính khoảng 3.000 ha, trong đó có hơn 1.500 ha đang cho thu hoạch. Sản lượng cam hàng năm đạt từ 35.000 đến 40.000 tấn, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài tỉnh, một lượng nhỏ đã được xuất khẩu. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, các vườn cam tại huyện Cao Phong đang đối mặt với nguy cơ năng suất và chất lượng suy giảm nghiêm trọng do nhiều nguyên nhân như canh tác chưa bền vững, sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật hóa học gây suy giảm môi trường đất, gia tăng  nguy cơ tồn dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật trên sản phẩm.
ÁP DỤNG GIẢI PHÁP QUẢN LÝ CÂY TRỒNG TỔNG HỢP ICM
Chủ vườn cam ở Hợp tác xã Nông sản 3T

Viện Giải pháp kỹ thuật nông nghiệp bền vững – ISATS đã cùng với HTX Nông sản 3T đánh giá hiện trạng sản xuất cây cam trong thời gian qua và nhận thấy 03 vấn đề chính đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cây cam, từ đó ảnh hưởng đến sản lượng và chất lượng của trái cam.
 
- Môi trường đất bị mất cân bằng sinh thái, hệ vi sinh vật đặc hữu suy giảm ảnh hưởng đến hoạt động hấp thu dinh dưỡng của bộ rễ gây thiếu dinh dưỡng cho các hoạt động sinh trưởng và phát triển của cây.
- Sử dụng phân bón trong năm vào các giai đoạn chưa phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng của cây qua từng thời kỳ.
- Quản lý các dịch hại chưa phù hợp với đặc điểm phát sinh, tập tính hoạt động và gây hại của các loài sâu bệnh hại.

Trong các dịch hại chính, đặc biệt là bệnh vàng lá thối rễ, ruồi đục quả cam là vấn đề lớn ảnh hưởng đến sự phát triển của cây cam, gây ra tình trạng giảm năng suất và chất lượng cam nghiêm trọng. Bệnh vàng lá thối rễ do nguyên nhân nấm Fusarium spp. và Phytophthora spp. làm thối rễ, khiến cây không thể hút nước và dưỡng chất từ đất, dẫn đến lá bị vàng, rụng hoa quả và cây suy kiệt chết dần từng tán và chết cả cây khi bị bệnh nặng. Trong điều kiện mùa mưa nguồn bệnh phát triển mạnh, lây lan nhanh chóng qua rễ và nước chảy tràn, khiến việc kiểm soát bệnh và phục hồi vườn cây trở nên khó khăn. Ruồi đục quả gây hại chủ yếu từ giai đoạn quả chín, là nguyên nhân chính gây thất thu năng suất từ 20-30% sản lượng cam mỗi vụ.
Từ các nguyên nhân gây nên hiện trạng vườn cam bị suy thoái, suy giảm năng suất và chất lượng…Viện Giải pháp kỹ thuật nông nghiệp bền vững đã kết hợp với HTX Nông sản 3T thực hiện mô hình áp dụng giải pháp Quản lý cây trồng tổng hợp - ICM và Quản lý dịch hại tổng hợp – IPM để phục hồi vườn cam suy yếu. Các biện pháp chủ yếu Viện ISATS xây dựng và thực hiện trên vườn cam tập trung chủ yếu như sau:
  1.  Sử dụng các phân bón hữu cơ vi sinh có các chủng VSV cộng sinh với hệ rễ tơ mới sinh của cây cam để phục hồi độ tơi xốp của đất, bộ rễ cây có điều kiện tốt nhất cho phát triển, tạo tiền đề từ đó cải thiện và phục hồi sức khỏe cây cam tốt nhất.
  2. Xây dựng chế độ phân bón với liều lượng và tỷ lệ các thành phần dinh dưỡng cân đối, phù hợp với từng giai đoạn phát triển hằng năm của cây cam. Chế độ phân bón phân chia theo 5 giai đoạn chính: Phục hồi cây sau thu hoạch; Kích thích phân hóa mầm hoa và nuôi hoa; Nở hoa và đậu quả; Kích thích quả lớn; và cuối cùng là giai đoạn tao ngọt, chín thu hoạch.
  3. Phát hiện sớm dịch hại, phòng trừ dịch hại theo đặc điểm phát sinh, tập tính hoạt động và gây hại của dịch hại: 
-    Với dịch hại ruồi đục quả: Viện ISAST hướng dẫn các xã viên HTX 3T và Hộ Anh Hà điều chỉnh lại cho phù hợp hơn việc thu gom xử lý nguồn dòi đục quả, sắp xếp lại bẫy bả và bổ sung thêm chế phẩm sinh học Entopro 150SL có tác dụng diệt trừ cả trưởng thành cái của ruồi đục quả, đây là đối tượng gây hại làm rụng trái cam, mất năng suất chính.
-    Với bệnh hại vàng lá thối rễ: Viện ISATS hướng dẫn các xã viên bảo vệ phục hồi môi trường đất, cung cấp các điều kiện thuận lợi nhất bộ rễ cây cam hồi phục làm tiền đề hồi phục vườn, phát hiện sớm dịch hại bằng bẫy hoa hồng phát hiện sớm nấm Phytophthora gây thối rễ đang phát triển mạnh, xử lý phòng bệnh lây lan chính trong mùa mưa bão bằng các giải pháp đơn giản, hiệu quả như ngăn, giảm việc chảy tràn nước cùng với nguồn bệnh từ các khu vực bị bệnh ra ngoài…các giải pháp đều đơn giản, hộ sản xuất áp dụng dễ dàng vào sản xuất.
 
Kết quả bước đầu được HTX nông sản 3T và hộ sản xuất mô hình đánh giá mang lại hiệu quả phục hồi vườn cam tốt, các hiện tượng cây vàng lá, mo lá, héo mềm quả xanh…thường gặp hàng năm vào mùa mưa đã không còn xuất hiện. Ruồi đục quả cũng đã có chiều hướng giảm bền vững trên vườn cam.
hộ sản xuất áp dụng dễ dàng vào sản xuất
Vườn cam Cao Phong

Áp dụng các giải pháp quản lý cây trồng tổng hợp (ICM) và quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) không chỉ giúp phục hồi các vườn cam Cao Phong đang suy kiệt mà còn hướng tới mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững. Để sớm thực hiện được mục tiêu này, người nông dân cần phối hợp chặt chẽ với các chuyên gia và chính quyền địa phương, đồng thời cam kết tuân thủ các quy trình canh tác. Từ đó cây cam tại Cao Phong mới có thể duy trì được sản lượng và chất lượng, đảm bảo sinh kế cho người dân và góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Tác giả bài viết: Viện ISATS

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển dụng
VinaCert - Tuyển dụng nhân sự
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây