Cục Bảo vệ thực vật

Thứ hai - 19/06/2023 22:34 78 0
     Cục Bảo vệ thực vật ngày nay, tiền thân là Cục Bảo vệ và kiểm dịch thực vật được thành lập ngày 05 tháng 10 năm 1961 theo Nghị định số 152/CP của Hội đồng Chính phủ.
     Giai đoạn 1961 – 1970, với tên gọi là Cục Bảo vệ và kiểm dịch thực vật, có lúc sáp nhập với Vụ trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp; sau thời gian lại tách ra thành Cục Bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

     Trong 10 năm đầu mới thành lập, Cục Bảo vệ và kiểm dịch thực vật địa điểm không ổn định: trụ sở ban đầu ở số 2 Ngọc Hà nằm trong khu vực của Bộ Nông nghiệp.

     Thời gian chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, Cục sơ tán ở Hà Tây, năm 1969 trở về làm việc tại số 135 phố Nam Đồng, nay là 149 Hồ Đắc Di, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.

     Hoạt động của Cục lúc đầu chỉ có một số phòng ban giúp việc Cục trưởng: phòng chỉ đạo, phòng kiểm dịch thực vật, phòng tổng hợp và phòng hành chính quản trị. Để kịp thời chỉ đạo công tác bảo vệ và kiểm dịch thực vật, năm 1966 đã có các trạm bảo vệ thực vật vùng và phòng kiểm dịch thực vật liên tỉnh thuộc Cục được thành lập như: Trạm Bảo vệ thực vật vùng Tây Bắc, Việt Bắc, Đông Bắc, Duyên hải, khu 4; phòng Kiểm dịch thực vật Hải Phòng, Hà Nội, Lào Cai, Lạng Sơn và Khu 4. Ở các địa phương có bộ phận bảo vệ thực vật nằm trong phòng trồng trọt thuộc Ty Nông nghiệp các tỉnh.

    Giai đoạn 1971 – 1981, có thời gian Cục sáp nhập với Viện Bảo vệ thực vật, sau đó lại tách ra thành Cục Bảo vệ thực vật, nằm trong Tổng cục Cây trồng.

    Giai đoạn 1971 – 1975, đất nước bị chia cắt làm 2 miền, trụ sở làm việc sơ tán về Tây Tựu (Từ Liêm, Hà Nội), tới năm 1973 mới quay lại 135 Nam Đồng, nay là 149 Hồ Đắc Di, quận Đống Đa, Hà Nội và ổn định cho đến nay.

    Giai đoạn 1976 – 1981, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, Cục Bảo vệ thực vật được Bộ giao nhiệm vụ thống nhất quản lý nhà nước về công tác bảo vệ thực vật trên phạm vi cả nước. Ngay sau khi giải phóng miền Nam đã đã thành lập các Trạm kiểm dịch thực vật Đà Nẵng, Trạm Kiểm dịch thực vật thành phố Hồ Chí Minh, Trạm Bảo vệ thực vật miền Trung, Trạm Bảo vệ thực vật phía Nam.

    Giai đoạn 1982 – 1991, Điều lệ Bảo vệ thực vật, Điều lệ Kiểm dịch thực vật kèm theo Nghị định số 214CP được Hội đồng Bộ trưởng ban hành (14/7/1980), thời kỳ này Cục Bảo vệ thực vật được Chính phủ, Bộ Nông nghiệp giao thêm chức năng nhiệm vụ: ngoài việc quản lý nhà nước về bảo vệ thực vật, kiểm dịch thực vật và thuốc bảo vệ thực vật, Cục được giao nhiệm vụ: dịch vụ công tác khử trùng hàng hóa xuất nhập khẩu; quản lý phân phối cung ứng vật tư bảo vệ và kiểm dịch thực vật (chuyển từ Tổng công ty vật tư nông nghiệp sang cho Cục Bảo vệ thực vật thực hiện – năm 1985). Bộ phận trồng trọt của Cục sản xuất sáp nhập vào Cục và Cục Bảo vệ thực vật đổi tên thành Cục trồng trọt và bảo vệ thực vật.

   Giai đoạn 1992 – 2002, năm 1993 Pháp lệnh bảo vệ và kiểm dịch thực vật được công bố, đây là văn bản qui phạm pháp luật cao nhất của Ngành bảo vệ thực vật kể từ khi thành lập.

Căn cứ vào Nghị định 92CP của Chính phủ, hệ thống chuyên ngành bảo vệ thực vật được củng cố, thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Năm 1992, Công ty vật tư bảo vệ thực vật tách ra khỏi Cục. Năm 1992 bộ phận trồng trọt chuyển về Cục Khuyến nông, khuyến lâm. Năm 1993 Công ty khử trùng tách ra khỏi Cục, tên của Cục đổi thành Cục Bảo vệ thực vật và thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành theo định của Pháp lệnh.

    Năm 2003, thực hiện Nghị định số 86/2003/NĐ-CP ngày 07 tháng 8 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Bộ trưởng đã ban hành Quyết định số 88/2003/BNN-QĐ ngày 04 tháng 9 năm 2003 quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Bảo vệ thực vật.

    Đầu năm 2004, bộ máy của Cục gồm 07 phòng: bảo vệ thực vật, kiểm dịch thực vật, phòng thuốc bảo vệ thực vật, phòng hành chính – tổ chức, phòng kế hoạch (kế hoạch, hợp tác quốc tế), phòng tài chính, phòng thanh tra – pháp chế, bộ phận thường trực tại thành phố Hồ Chí Minh và 17 đơn vị trực thuộc Cục.

Ngày 30/7/2004, Bộ Nông nghiệp và PTNT ra quyết định thành lập Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu II, Trung tâm Phân tích, giám định và thí nghiệm kiểm dịch thực vật đổi tên thành Trung tâm Giám định Kiểm dịch thực vật.

    Năm 2008, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định số 17/2008/BNN-QĐ ngày 28 tháng 01 năm 2008 quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Bảo vệ thực vật. Theo Quyết định, Bộ máy tổ chức của Cục Bảo vệ thực vật bao gồm: Ban Lãnh đạo Cục, 08 Phòng (Phòng Bảo vệ thực vật; Phòng Kiểm dịch thực vật, Phòng Quản lý sinh vật gây hại rừng, Phòng Quản lý thuốc bảo vệ thực vật, Phòng Kế hoạch, Phòng Tài chính, Thanh tra Cục, Văn phòng Cục, Bộ phận thường trực Cục tại thành phố Hồ Chí Minh và 18 đơn vị trực thuộc gồm: 04 Trung tâm Bảo vệ thực vật vùng, 09 Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng, 02 Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu, 01 Trung tâm Giám định Kiểm dịch thực vật, 02 Trung tâm Kiểm định và Khảo nghiệm thuốc Bảo vệ thực vật.

     Năm 2011, Bộ trưởng đã ban hành quyết định số 434/QĐ-BNN-TCCB ngày 10/3/2011, Quyết định thành lập Phòng Quản lý ATTP&MT trực thuộc Cục BVTV.

     Năm 2012, Bộ trưởng đã ban hành quyết định số 697/QĐ-BNN-TCCB ngày 30/3/2012, Quyết định thành lập Phòng Thanh tra, Pháp chế trực thuộc Cục BVTV.

      Năm 2013, Chủ tịch nước ban hành Luật  số 41/2013/QH13 Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật. Theo đó, năm 2014 Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định số 664/BNN-QĐ -TCCB ngày 04 tháng 04 năm 2014 quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Bảo vệ thực vật. Bộ máy tổ chức của Cục gồm Ban Lãnh đạo Cục, 10 tổ chức tham mưu (Phòng Bảo vệ thực vật; Phòng Kiểm dịch thực vật, Phòng Quản lý sinh vật gây hại rừng, Phòng Quản lý an toàn thực phẩm và Môi trường, Phòng Thanh tra- Pháp chế; Phòng Quản lý thuốc bảo vệ thực vật, Phòng Kế hoạch, Phòng Tài chính, Văn phòng Cục, Văn phòng đại diện Cục phía Nam tại thành phố Hồ Chí Minh);  09 cơ quan trực thuộc (09 Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng) và các đơn vị sự nghiệp gồm: 04 Trung tâm Bảo vệ thực vật vùng, 02 Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu, 01 Trung tâm Giám định Kiểm dịch thực vật, 02 Trung tâm Kiểm định và Khảo nghiệm thuốc Bảo vệ thực vật.

      Năm 2017, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định số 928/BNN-QĐ -TCCB ngày 24 tháng 03 năm 2017 quy định Bộ máy tổ chức của Cục Bảo vệ thực vật bao gồm: Ban Lãnh đạo Cục, 10 tổ chức tham mưu (Phòng Bảo vệ thực vật; Phòng Kiểm dịch thực vật, Phòng Quản lýan toàn thực phẩm và Môi trường, Phòng Thuốc bảo vệ thực vật, Phòng Quản lý Phân bón, Phòng Kế hoạch, Phòng Tài chính, Phòng Thanh tra Pháp chế, Phòng Hợp tác quốc tế và Truyền thông, Văn phòng Cục (có Bộ phận thường trực phía Nam tại thành phố Hồ Chí Minh) và 09 cơ quan trực thuộc (09 Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng) và các đơn vị sự nghiệp gồm: 04 Trung tâm Bảo vệ thực vật vùng, 02 Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu, 01 Trung tâm Giám định Kiểm dịch thực vật, 02 Trung tâm Kiểm định và Khảo nghiệm thuốc Bảo vệ thực vật và Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón Quốc gia.

Năm 2023, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định số 4188/BNN-QĐ -TCCB ngày 11 tháng 10 năm 2023 quy định Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Bảo vệ thực vật.

Tác giả bài viết: Viện ISATS

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển dụng
VinaCert - Tuyển dụng nhân sự
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây