4 kết qủa nổi bật của Việt Nam tại Hội nghị COP28

Thứ hai - 04/12/2023 21:19 172 0
Sau 4 ngày tham dự Hội nghị COP28, Việt Nam đã khuyến nghị nhiều giải pháp nhằm thực hiện chuyển đổi năng lượng.
Dưới đây là chia sẻ của ông Đào Xuân Lai, Trưởng ban Biến đổi Khí hậu, Môi trường và Năng lượng của UNDP từ COP28 UAE thông tin về kết quả bước đầu của Việt Nam sau 4 ngày tham dự Hội nghị COP28, trong đó đáng chú ý Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cam kết với các nhà đầu tư sẽ sớm cụ thể các chính sách cho phát triển năng lượng tái tạo trong đó có chuẩn hóa hợp đồng mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn.
cop2 8 1
Ông Đào Xuân Lai (Ảnh tư liệu)
Thưa ông, đoàn Việt Nam đã đạt được gì sau 4 ngày tham dự COP28?
Đến hết ngày 3/12 - ngày thứ 4 của COP28, Việt Nam đã đạt được 4 kết quả chính.
Thứ nhất, Việt Nam cùng với nhóm các nước gồm Liên minh châu Âu (EU), Vương quốc Anh và Bắc Ireland, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức, Pháp, Ý, Canada, Đan Mạch và Na Uy (IPG) đã thông qua kế hoạch huy động nguồn lực 15,5 tỷ USD trong vòng 3 - 5 năm tới để giải quyết nhu cầu cấp bách, mang tính xúc tác cho chuyển đổi năng lượng công bằng của Việt Nam. Các khoản vốn này được IPG cam kết huy động với điều kiện vay vốn hấp dẫn, hỗ trợ tư nhân thông qua các khoản đầu tư.
Đây là dấu mốc quan trọng để Việt Nam đàm phán các khoản vay, các khoản đóng góp cụ thể để khoản 15,5 tỷ USD này giúp Việt Nam chuyển đổi năng lượng và dùng nó như đòn bẩy huy động các nguồn lực tư nhân trong chuyển đổi năng lượng, góp phần thực hiện kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế xanh.
Thứ hai, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu hết sức quan trọng tại COP 28 vào chiều ngày 2/12, trong đó khẳng định quyết tâm thực hiện cam kết phát thải ròng bằng không vào năm 2050. Thủ tướng đã kêu gọi các bên cần có sự phối hợp tốt hơn, các nước phát triển cần phải tiếp tục hỗ trợ các nước đang phát triển đặc biệt là về tài chính và chuyển giao công nghệ, để các nước đang phát triển có đủ nguồn lực cũng như năng lực trong thích ứng với biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng.
Đặc biệt, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã nêu ra những nỗ lực của Việt Nam cũng như kết quả đã đạt được kể từ khi cam kết tại COP26.
Thủ tướng cho biết, thời gian tới sẽ đưa ra hành lang pháp lý, chính sách cụ thể hơn nữa, như xây dựng hệ thống truyền tải điện thông minh, đưa ra hợp đồng chuẩn về mua bán điện năng lượng tái tạo trực tiếp…Đây là những động thái rất rõ ràng và trực tiếp để đảm bảo với các nhà đầu tư nước ngoài rằng Việt Nam cam kết và quyết tâm thực hiện, tạo mọi điều kiện thuận lợi, giảm rủi ro cho các nhà đầu tư, Việt Nam mong muốn thu hút các khoản đầu tư lớn hơn nữa, đầu tư chất lượng hơn trong phát triển xanh, chuyển dịch năng lượng.
Thứ ba, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường có nhiều buổi họp song phương và đa phương với các nước phát triển và các tập đoàn quốc tế để có thể phát triển, mở rộng quan hệ đối tác với các tập đoàn có danh tiếng về năng lượng tái tạo, điện gió ngoài khơi. Đây là cơ hội để Việt Nam thúc đẩy một ngành kinh tế mới là năng lượng tái tạo cũng như thúc đẩy phát triển điện gió ngoài khơi để Việt Nam có thể xuất khẩu, ví dụ xuất khẩu sang Singapore và các nước ASEAN. Đây là tiềm năng rất lớn nhất là Việt Nam có hơn 3.000km bờ biển, điều này không chỉ góp phần tăng nguồn thu ngân sách, tạo sinh kế việc làm và thúc đẩy phát triển kinh tế tại các địa phương.
Thứ tư, năm nay Việt Nam có một phòng họp riêng tại Hội nghị, ở đó chúng ta đã tổ chức hơn 10 sự kiện bên lề vừa là chia sẻ các kinh nghiệm, các bài học của Việt Nam trong thích ứng với biến đổi khí hậu cũng như các giải pháp để giảm phát thải khí nhà kính đóng góp cho nỗ lực toàn cầu. Đồng thời, Việt Nam cũng mong muốn học hỏi từ các nước, các chuyên gia về các giải pháp cho ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển dịch năng lượng.
Cho đến nay, COP28 đã có những thành công bước đầu, đặc biệt các bên đã đồng thuận để bắt đầu đưa Quỹ Tổn thất và Thiệt hại đi vào hoạt động với cam kết các khoản tài chính rất lớn. Đến nay đã huy động được khoảng hơn 600 triệu USD.
Tuy nhiên còn nhiều việc ở phía trước để xác định ra các nguyên tắc hoạt động của quỹ và các nước nghèo sẽ phải đóng góp bao nhiêu trong thời gian tới. Tôi mong rằng Việt Nam sẽ tham gia tích cực trong việc hình thành và vận hành quỹ này. Qua đó, Việt Nam có thể được thụ hưởng từ quỹ nhằm giúp cho người dân ven biển của Việt Nam, các tỉnh miền núi miền Bắc, vùng xa vùng xâu có thể nâng cao khả năng chống chịu trước các hình thái thiên tai.
Việt Nam công bố kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện JETP tại COP 28, ông đánh giá như thế nào về sự kiện này?
Đây là dấu mốc quan trọng đánh dấu nỗ lực của Việt Nam và các đối tác quốc tế, chỉ sau 01 năm (12/2022-12/2023) Việt Nam đã đưa ra lộ trình cụ thể. Đây là điểm sáng và so với các nước thì Việt Nam đã thúc đẩy mạnh mẽ và nhanh hơn, đó là điển hình cho các nước noi theo.
Để đầu tư cho phát triển năng lượng tái tạo đến năm 2030 Việt Nam cần khoảng 135 tỷ USD nên con số 15,5 tỷ USD không phải lớn so với nhu cầu của Việt Nam nhưng nó là con số ban đầu để kích hoạt và huy động thêm nguồn lực quốc tế, khối tư nhân để chúng ta có thể phát triển ngành năng lượng mới, năng lượng tái tạo ở Việt Nam ít phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.
cop28 2
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại sự kiện công bố kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện JETP. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Kế hoạch cũng tạo điều kiện để Việt Nam liên kết và thúc đẩy phát triển một ngành kinh tế mới, đòi hỏi chúng ta củng cố về mặt thể chế, pháp lý để tạo nền tảng thu hút đầu tư FDI chất lượng hơn vào kinh tế xanh. Đồng thời, giúp Việt Nam đầu tư vào nghiên cứu và phối hợp các nước nghiên cứu chuyển giao công nghệ lĩnh vực này.
Đặc biệt, trong kế hoạch huy động nguồn lực JETP, Việt Nam đã nhấn mạnh, để đảm bảo chuyển dịch năng lượng công bằng thì công bằng và bình đẳng là giá trị cốt lõi để chuyển đổi năng lượng thành công ở Việt Nam. Trong tuyên bố cũng đưa ra các quan điểm rõ ràng phải đảm bảo cung cấp điện với giá phải chăng, đáng tin cậy cho người dân và người thu nhập thấp.
Tiếp theo liên quan đến các chính sách về xã hội, để đảm bảo các nhóm công nhân, nhóm xã hội đang làm việc trong lĩnh vực năng lượng ( điện than, mỏ than) có các kỹ năng để chuyển sang ngành kinh tế mới. Đồng thời, đảm bảo cung cấp các lợi ích tối đa cho các bên: Địa phương- người dân, doanh nghiệp – Nhà nước trong việc phân phối lợi ích đảm bảo công bằng.
Ông nhìn nhận như thế nào về nỗ lực của Việt Nam trong 2 năm qua?
Chính phủ Việt Nam đã cam kết tại COP26 đạt được các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính bằng không vào 2050, Chính phủ cũng đã cập nhật bản NDC 2022 nâng các chỉ tiêu của Việt Nam để đạt được phát thải ròng bằng không cũng như đưa ra các chiến lược, chính sách: Chiến lược quốc gia về Biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050; Chính phủ cũng đã đưa ra các quy hoạch ngành: Kế hoạch quốc gia triển khai Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất đến năm 2030; Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 876/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải; Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch Điện VIII)… đặc biệt là tháng 12/2022 cùng với các đối tác IPG Việt Nam đã thông qua tuyên bố chuyển dịch năng lượng công bằng JETP.
Liên quan đến những thách thức của Việt Nam khi thực hiện cam kết phát thải ròng bằng không vào năm 2050, hiện Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, chúng ta còn rất nhiều thách thức như : Giảm nghèo, quy mô kinh tế nhỏ, độ mở thị trường lớn, trình độ nhân lực chưa cao, Việt Nam cần ổn định kinh tế vĩ mô, cần chuyển đổi toàn bộ nền kinh tế để giảm phát thải đòi hỏi đầu tư rất lớn. Riêng lĩnh vực điện lực để phát triển năng lượng tái tạo đến năm 2030 cần khoảng 135 tỷ USD. Do đó, Việt Nam cần một nguồn vốn rất lớn từ các tổ chức quốc tế, tư nhân trong thời gian tới.
Đồng thời vấn đề công nghệ, chuyển đổi nhân lực từ khu vực (điện than, khai thác than…) sẽ cũng là yêu cầu đặt ra cho Việt Nam. Ngoài ra ngành kinh tế năng lượng mới, năng lượng tái tạo, điện gió ngoài khơi, các công nghệ thích ứng biến đổi khí hậu cần nhân công có trình độ, kỹ thuật, các nhà quản lý để triển khai.
Vậy ông có khuyến nghị gì cho Chính phủ Việt Nam trong giải quyết các thách thức trên?
Việt Nam đã và đang thúc đẩy cải cách thể chế tạo môi trường đầu tư trách nhiệm hơn, minh bạch hơn, an toàn hơn, hấp dẫn hơn để có thể thu hút đầu tư ước ngoài có chất lượng cao. Đầu tư từ trong nước và nước ngoài đòi hỏi có những cái môi trường đầu tminh bạch hơn ít rủi ro. Đây là điểm đầu tiên Việt Nam cần phải làm.
Những ngày vừa qua, trong các cuộc tiếp xúc song phương, đa phương, Thủ tướng đã đưa ra cam kết các chính sách liên quan như: Hợp đồng mua bán điện tái tạo trực tiếp, đây là cam kết hết sức quan trọng mà các doanh nghiệp, tập đoàn mong đợi từ lâu.
cop28 3
Để phát triển ngành kinh tế năng lượng mới Việt Nam cần đầu tư cho nghiên cứu khoa học, phát triển nguồn nhân lực (Ảnh: minh họa)
Bên cạnh đầu tư cho phát triển lực lượng nhân công cho chuyển đổi năng lượng, năng lượng tái tạo, Việt Nam cũng cần đầu tư cho phát triển khoa học công nghệ; thúc đẩy hợp tác quốc tế, tận dụng chuyển giao công nghệ của các nước đi trước.
Đồng thời, chúng ta phải đảm bảo công bằng giữa các bên tham gia kể cả các nhà đầu tư, các nhóm tham gia chuỗi cung ứng về năng lượng, kinh tế xanh. Đặc biệt là cácnhóm yếu thế như công nhân, phụ nữ đang làm trong các nhà máy than, điện than…trong việc đảm bảo thu nhập ổn định, giúp người dân tham gia các quỹ bảo hiểm xã hội khi chuyển dịch sang ngành mới...
Tôi tin tưởng rằng, với các chủ trương, nỗ lực, sự đồng lòng, quyết tâm của Đảng, Chính phủ và Quốc hội, Việt Nam có thể đạt được phát thải ròng bằng không và vượt qua được rào cản thu nhập trung bình, trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.
Xin cám ơn ông!
 

Tác giả bài viết: Thu Hường

Nguồn tin: congthuong.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển dụng
VinaCert - Tuyển dụng nhân sự
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây