Từ đó, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Trung ương sẽ nhận được 51,5 triệu USD từ Quỹ Carbon thông qua IBRD, sau đó điều phối gần 50 triệu USD đến các tỉnh theo quy định. Trong đó, Quảng Bình chuyển nhượng hơn 2,4 triệu tấn CO2, được chi trả khoảng 235 tỷ đồng trong giai đoạn 2023-2025. Riêng năm 2023, Quảng Bình được nhận 82,4 tỷ đồng (cao thứ 2 trong 6 tỉnh của khu vực).
Theo ông Mai Văn Minh, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Bình, trong tổng số kinh phí trên, 80 tỷ được dùng để chi trả cho các đối tượng hưởng lợi là chủ rừng (bao gồm hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng, tổ chức và UBND xã); 2,4 tỷ đồng còn lại sẽ được trích tại Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Quảng Bình.
Để thu về số tiền nói trên, diện tích rừng của Quảng Bình được chi trả là 469.317ha rừng tự nhiên (bình quân số tiền chi trả trên đơn vị diện tích là khoảng 170.000 đồng/ha). Nội dung chi trả bao gồm: hỗ trợ các hoạt động lâm nghiệp để giảm phát thải khí nhà kính; hoạt động đóng góp trực tiếp cho giảm phát thải khí nhà kính (bảo vệ rừng tự nhiên, khoán bảo vệ rừng tự nhiên, các biện pháp lâm sinh); hoạt động hỗ trợ phát triển sinh kế; công tác quản lý.
Tín chỉ carbon rừng được tạo ra từ các hoạt động dự án giảm phát thải nhà kính như giảm mất rừng và suy thoái rừng; tăng cường bể hấp thụ từ hoạt động trồng rừng, tái trồng rừng, tái tạo thảm thực vật và hoạt động tăng cường quản lý rừng. Chủ rừng có thể quy đổi diện tích rừng đang quản lý, bảo vệ ra lượng hấp thụ khí CO2, ra tín chỉ carbon và có thể bán tín chỉ này tại thị trường carbon qua cơ chế giảm phát thải khí nhà kính.
Việt Nam có hơn 14,7 triệu ha rừng, đạt tỷ lệ che phủ 42,02%, là nơi hấp thụ và lưu giữ lượng lớn carbon, được đánh giá là một trong những quốc gia có tiềm năng với các dự án về tín chỉ carbon rừng. Theo các nhà phân tích, rừng Việt Nam có thể tạo ra khoảng 50-70 triệu tấn tín chỉ carbon rừng dôi dư, tạo nguồn thu lên đến hàng nghìn tỷ đồng nếu xuất khẩu thành công.
Tác giả bài viết: Hoàng Nam
Nguồn tin: tienphong.vn
Ý kiến bạn đọc